51+ Trò chơi dân gian cho người lớn & trẻ em/thiếu nhi trong trường học
Các trò chơi dân gian không chỉ mang đến niềm vui, sự giải trí mà còn là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam bao đời nay. Hãy cùng 168xoso điểm qua top những trò chơi dân gian dành cho người lớn và trẻ em trong trường học để cùng nhau nhớ về cội nguồn cũng như rèn luyện thể chất trong những buổi học hoặc teambuilding ngoài trời.
Trò chơi dân gian cho người lớn (hội trại ngoài trời)
Để có một buổi hội trại, teambuilding thú vị thì 168xoso xin gợi ý cho các bạn đọc một số trò chơi sau đây.

#1 Cướp cờ
Chuẩn bị:
- Kẻ một vạch xuất phát cho hai đội
- Vẽ một vòng tròn
- Một đồ vật ở giữa tượng trưng cho cờ.
Cách chơi:
- Quản trò chia hai đội, mỗi đội từ 5 – 6 người đứng hàng ngang ở vạch xuất phát (mỗi người tự nhớ số thứ tự của mình từ 1 – 6)
- Quàn trò gọi số nào thì người mang số đó ở hai đội sẽ chạy lên để cướp cờ, quản trò gọi về là phải về. Quản trò có thể gọi nhiều người cùng lúc.

Luật chơi:
- Người cầm lá cờ mà bị người ở đội còn lại chạm vào người => thua
- Ai cầm được lá cờ về đích của đội mình mà không bị đối thủ chạm vào người => thắng
- Bạn có quyền bỏ cờ xuống nếu cảm thấy có nguy cơ bị đối thủ chạm vào người
- Số nào chạm số đó, không được chạm người số khác
- Không được ôm đối thủ để đồng đội cướp cờ.
Đối tượng: Người lớn & trẻ em.
#2 Nhảy bao bố
Cách chơi: Tất cả người tham gia sẽ đứng trong bao bố ở vạch xuất phát, tay giữ miệng bao, nghe hiệu lệnh sẽ thi nhau nhảy đến vạch đích, ai hoàn thành trước sẽ dành chiến thắng.

Luật chơi: Người nào nhảy trước hiệu lệnh của trọng tài, chưa đến mức quy định đã quay lại, nhảy chưa đến đích mà bỏ bao ra hoặc chơi ăn gian đều sẽ bị loại.
Đối tượng: Người lớn & trẻ em.
#3 Thi thổi cơm
Chuẩn bị: Thóc, củi, nồi nấu.
Luật tham gia: Mỗi đội có 10 người (nam và nữ), họ sẽ tự xay thóc, giã gạo, dần sàng, tạo lửa, chạy mang nước và nấu cơm, cụ thể:
- Thi làm gạo: Các đội đổ thóc vào xay, giã và dần sàng, đội nào có gạo trắng trước thì đội đó thắng ở phần thi đầu tiên.
- Phần thi thứ 2 là thi tạo lửa và đua lấy nước: dùng hai thanh nứa già cọ với nhau rồi áp bùi nhùi rơm khô vào để tạo lửa. Khu vực lấy nước sẽ cách đó 1km, một vài người nam sẽ thi đua chạy nhanh đến đó mang nước về cho đội nấu cơm. Đội nào vừa có lửa, vừa có nước trước sẽ chiến thắng ở phần này.
- Phần thi cuối cùng là nấu cơm: đội nào thổi được cơm chín dỏe, trắng, ngon nhất và xong đầu tiên sẽ là đội thắng cuộc. Ngoài ra, cơm của đội thắng sẽ được dùng để cúng thần.

#4 Thi thả diều
Làm diều sáo là một hội thi phổ biến ở nước ta từ khá lâu đời, hội thi quy tụ nhiều thanh niên trong làng cùng nhau tạo nên những con diều đẹp và lớn nhất.

Ban giám khảo của cuộc thi sẽ chấm điển dựa trên: tiếng sáo diều, tính thẩm mỹ, diều có lên bổng, dây diều căng hay võng, diều bay có thẳng và xa khi ở trên cao hay không?
#5 Đánh đu
Đánh đu là trò chơi truyền thống Việt Nam trong các ngày hội làng. Cây đu được trồng từ bốn đến tám cây tre dài chắc để chịu được sức nặng của hai người khi đứng lên trên.

Trò này có thể một hoặc hai người tham gia, bạn cần phải nhún thật mạnh để theo luật quán tính đu sẽ càng lên cao hơn. Người đưa cần đu lên ngang với ngọn đu là người hay nhất, nhiều nơi tổ chức hội thi này để trao giải cho người thắng cuộc và cũng giúp cho các đôi trai gái trong làng được giao lưu gặp gỡ.
#6 Kéo co
Chuẩn bị:
- Một sợi dây thừng
- Vẽ hai vạch đích cho hai đội (thường cách nhau 20cm)
Luật chơi:
- Trò này sẽ có hai đội thi với nhau, số lượng đều người đều nhau, có thể nam thi với nam, nữ thi với nữ hoặc cũng có trường hợp cả đội đều có nam và nữ.
- Nghe tiếng còi của trọng tài, hai bên thi nhau kéo mạnh sợi dây về phía mình, đội nào có người đứng đầu chạm vào vạch đích bên phía mình trước thì đội đó thua.
Đối tượng: Người lớn & trẻ em.

#7 Đấu vật
Đấu vật là một bộ môn thi đấu rất phổ biến ở các hội xuân Miền Trung và Miền Bắc. Thông thường sẽ chỉ có hai người thi với nhau, họ cần cởi áo và mang một cái khố để che hạ bộ.

Cuộc thi bắt đầu, các đô vật sẽ dùng kinh nghiệm của mình để rình miếng nhau, dùng những miếng vỏ để vật ngửa đối thủ của mình. Một vài người chơi dùng miếng nằm bò hoặc nằm lì mời địch thủ đến đẩy mình sau đó họ bất thần đứng dậy phản công nhanh và dành được chiến thắng.
#8 Đua thuyền
Đua thuyền là một hình thức thi đua từ xa xưa tại Việt Nam và hiện nay đã trở thành một bộ môn thi đấu thể thao chuyên nghiệp có quy mô lớn.

Đây là một hình thức thi đấu mang tính chất tập thể và sẽ có ít nhất hai đội tham gia. Mỗi đội sẽ có số lượng thành viên bằng nhau và một đội trưởng có nhiệm vụ hô hào tăng động lực cho người chèo và quan sát điều chỉnh chiến lược hợp lý. Đội nào về đích trước sẽ là đội dành được chiến thắng sau cùng.
#9 Trò chơi con rết
Các đội chơi sẽ nối đuôi nhau để tạo thành hình của một con rết, chân người này đặt lên người của thành viên ngồi phía trước, mỗi người sẽ di chuyển bằng mông và bằng tay, chỉ có người chỉ huy ngồi phía trước sẽ được di chuyển bằng cả chân và tay, đội nào về đích trước thì đội đó sẽ dành chiến thắng.
Đối tượng: Người lớn & trẻ em.

#10 Di chuyển qua cầu
Ban tổ chức sẽ chuẩn bị một cây cầu được nối bằng các sợi dây thừng, các đội sẽ thi nhau di chuyển qua cầu, thành viên cuối cùng của mỗi đội vượt qua thử thách trong thời gian sớm nhất sẽ là đội thắng cuộc.

Tức nhiên nhiệm vụ qua cầu này không hề đơn giản vì bạn sẽ rất dễ bị té và rơi xuống nước, việc leo lại lên cầu sẽ khiến cho bạn mất rất nhiều thời gian.
#11 Bịt mắt bắt dê
Mọi người sẽ chơi oản tù tì, người thua cuộc sẽ bị bị mắt và đứng ở giữa vòng tròn. Các thành viên còn lại sẽ đứng thành hình vòng tròn, di chuyển liên tục và ca múa hát, người bị bịt mắt sẽ bắt một người bất kỳ và đoán tên của họ, nếu đoán trúng thì sẽ được hoán đổi vị trí với nhau.
Đối tượng: Người lớn & trẻ em.

#12 Đá gà
Mỗi người chơi sẽ dùng tay để giữ một chân của mình, di chuyển bằng cách nhảy lò cò để tấn công/đẩy vào chân của người khác, ai bị ngã hoặc chạm cả hai chân xuống đất trước sẽ bị thua.
Đối tượng: Người lớn & trẻ em.

#13 Đi cà kheo
Mỗi cây cà kheo sẽ được làm bằng tre, độ cao so với mặt đất tầm 1,5 – 2m, mỗi người sẽ phải di chuyển bằng hai cây cà kheo. Tất cả người chơi sẽ được chia đều thành hai đội để thi với nhau, nếu ai bị ngã hoặc bị chậm thời gian thi đấu thì sẽ bị phạt theo luật đề ra ban đầu.

Hiện nay, đi cà kheo được biến tấu thêm thành nhiều dạng khác nhau khiến cho trò chơi này càng thêm độ cạnh tranh và hấp dẫn.
Đối tượng: Người lớn & trẻ em.
#14 Vật cù
Trò vật cù cũng gần tương tự như trò chơi bóng bầu dục ở thời buổi hiện đại ngày nay. Có 14 thanh niên trai tráng chia đều cho hai bên và một quả bóng, ai cầm quả bóng chạy và mang bỏ vào chuồng (lỗ này nhỏ theo dạng hình vuông hoặc hình tròn và chỉ được rộng vừa khít với quả bóng) của đội kia thì chiến thắng.

#15 Đánh roi múa mọc
Hai người đàn ông trai tráng sẽ thi đấu với nhau, mỗi người sẽ có một cây roi và một mộc đan được làm bằng tre. Họ sẽ dùng roi để tấn công địch thủ và dùng mộc tre để đỡ đòn, ai đánh trúng vào những chỗ hiểm của địch thủ nhiều nhất thì thắng, thông thường vai và sườn sẽ được nhiều điểm nhất.

#16 Ném còn
Ném còn là một trong những trò chơi dân gian Việt Nam từ thời cổ xưa, trò này thường dành cho phụ nữ thuộc dòng con nhà quý phái là mỵ nương, con gái của Lạc Tướng, Lạc Hầu. Cho đến ngày nay một số dân tộc vẫn xem đây là một tín ngưỡng, hoạt động hấp dẫn nhất trong các dịp hội xuân dành cho những cặp trai gái.

Quả còn có hình cầu và to bằng nắm tay, bên trong nhồi thóc và hạt bông, bên ngoài được trang trí bằng các sợi vải tua nhiều màu bắt mắt. Người dân chuẩn bị một cây cột tre cao, trên đỉnh có một vòng tròn (vòng còn), lần lượt từng người sẽ nhắm ném để làm sao quả còn vào được bên trong vòng vòn là thắng.
Hội ném còn khiến cho dngười chơi lẫn khán giá cổ vũ bên ngoài rất hào hững, vì thế nên lễ hội này luôn tạo ra không khí sôi nổi, vui vẻ cho mọi người trong vùng khi tham gia. Theo quan niệm, trò này có ý nghĩa phồn thực, giúp giao hòa âm và dương, mùa màng tốt tươi.
Các trò chơi dân gian trong trường học
Thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp cho học sinh được rèn luyện thể chất cũng như giải trí sau những giờ học tập căng thẳng.
Trò chơi dân gian cho thiếu nhi/trẻ mầm non
Thông qua mỗi trò chơi, chúng ta lại được nhìn thấy sự hồn nhiên, vui vẻ của con trẻ ở cái tuổi được cho là thời điểm vàng để khai mở tiềm năng. Điều khó của thầy cô đó chính là phải lựa chọn một hoạt động vừa vui, vừa kết hợp với bài học lại vừa phải đảm bảo tính an toàn cho trẻ.

#17 Lăn bóng theo đường dích dắc
Chuẩn bị: cô giáo chia đều cả lớp thành nhiều đội khác nhau, vẽ một vạch xuất phát và đường di chuyển của mỗi đội theo đường dích dắc.
Cách chơi: sau khi nghe khẩu hiệu “bắt đầu” thì các đội sẽ bắt đầu thi với nhau, từng trẻ sẽ dùng tay, cúi người để lăn quả bóng theo đường dích dắc mà cô giáo đã vẽ sẵn.

Luật chơi: Đội nào có thành viên cuối cùng về đích trước sẽ là dành được hạng nhất, đội tiếp theo sẽ là hạng nhì,… đội cuối cùng là đội thua và bị phạt.
#18 Cua cắp
Trẻ em mầm non thường rất thích chơi trò này, các bé sẽ oẳn tù tì để xác định ai là người đi trước. Các cô sẽ thả 10 viên sỏi xuống đất (số lượng tùy ý), các bé sẽ đan 10 ngón tay lại và chỉ chừa lại 2 ngón duỗi thẳng ra để làm càng cua.

Bé đi trước sẽ dùng 2 ngón tay này để lấy lần lượt từng viên sỏi về cho mình: lần 1 lấy 1 viên, lần 2 lấy 2 viên,… cứ thế mà tăng lên. Bé nào đang gắp sỏi mà chạm tay vào viên khác hoặc bị rớt sỏi thì phải nhường cho bé kế tiếp thi, bé nào gắp được nhiều nhất sẽ thắng.
#19 Tập tầm vông
Giáo viên cho từ 3 đến nhiều bé tham gia, mỗi bé sẽ giấu một đồ vật nhỏ trong tay phải hoặc tay trái rồi giấu sau lưng, sau đó sẽ cùng nhau đọc to bài đồng dao:
“Tập tầm vong, tay không tay có
Tập tầm vó, tay có tay không
Tay không tay có, tay có tay không?”.
Rồi nắm chặt lòng bàn tay và đưa hai tay ra, những bé còn lại sẽ đoán tay nào đang giữ đồ vật đó. Bé nào bị đoán trúng thì sẽ chịu phạt theo quy định của trò chơi.

#20 Ếch dưới ao
Chuẩn bị: Cô vẽ một vòng tròn lớn giữa sân làm ao và các em sẽ đứng bên trong vòng để làm ếch. Một bé sẽ cầm một cái cần câu ếch giả đứng cách vòng khoảng 3 – 4 mét. Khi nghe cô báo hiệu thì trò chơi sẽ bắt đầu, các bé ếch sẽ đồng thanh hát:
“Ếch ở dưới ao, vừa ngớt mưa rào
Nhảy ra bì bọp
Ếch kêu ộp ộp, ếch kêu ặp ặp
Thấy bác đi câu, rủ nhau trốn mau
Ếch kêu ộp ộp, ếch kêu ặp ặp”.

Các con ếch vừa hát vừa nhảy ra khỏi vòng tròn cho người đi câu đuổi theo, bé nào bị dây câu chạm vào người thì thua và phải ra thay thế cho bác đi câu, bé nào chạy kịp lại vào vòng thì xem như được an toàn.
#21 Rồng rắn lên mây
Cô giáo sẽ chia làm 2 phe, một phe là rồng rắn, các bé sẽ nối đuôi nhau tạo thành hình dạng của một con rắn, phe còn lại chỉ có một người đóng giả làm thầy thuốc.
Rồng rắn sẽ di chuyển thành hình vòng tròn và cùng nhau hát bài đồng dao:
“Rồng rắn lên mây
Có cái cây núc nác
Có nhà khiển binh
Hỏi thăm thầy thuốc
Có nhà hay không?”.

Thầy thuốc sẽ đứng phía trước của đoàn rồng rắn và trả lời: thầy thuốc đi vắng, thầy thuốc đi chợ,… thì đoàn rồng rắn tiếp tục đi và hát tiếp bài đồng dao.
Nếu thầy thuốc trả lời là có thì người đầu đoàn rồng sẽ được giơ hai tay để cản ông thầy thuốc tiếp cận với bạn nhỏ sau cùng. Trường hợp ông thầy thuốc chạm vào được bạn ở vị trí sau cùng hoặc đoàn rồng bị đứt khúc thì xem như thua cuộc.
#22 Mèo đuổi chuột
Giáo viên sẽ cho các học sinh đứng thèo hình vòng tròn, nắm tay của nhau và giơ lên trên cao tạo khoảng trống cho mèo và chuột chạy. Một bé sẽ đóng vai làm mèo sẽ rượt bắt bé đóng vai làm chuột (đứng cách xa bé mèo một khoảng cách nhất định). Khi nghe hiệu lệnh bắt đầu bé chuột sẽ chạy trước rồi bé mèo sẽ chạy theo sau.

Luật chơi: Trong thời gian quy định, nếu chuột bị mèo bắt thì chuột sẽ ra đóng thế vai cho mèo, nếu mèo không bắt được chuột thì sẽ phải tiếp tục rượt bạn tiếp theo.
#23 Cá sấu lên bờ
Cô giáo sẽ cho các bé oẳn tù tì, bé nào thua thì bị chọn làm cá sấu, các bé còn lại sẽ làm dân và được đứng trên một tấm thảm (trên bờ). Cá sấu sẽ đứng cách bờ 2 – 3m, các con dân sẽ thay phiên chọc tức cá sấu, có thể thò chân hoặc nhảy hẳn cả người xuống, cá sấu chạy tới bắt thì con dân chỉ việc nhảy lên bờ là thoát.

Nếu ai bị cá sấu bắt thì bị thua và thay đổi vị trí chơi cho nhau, nếu cá sấu không thể bắt được con mồi thì phải tiếp tục đóng vai này cho cho đến nào mệt hết sức thì nghỉ chơi.
#24 Chim bay cò bay
Các trẻ sẽ đứng vòng tròn xung quanh cô giáo, cô sẽ lần lượt đưa ra các thử thách bằng lời nói “chim bay” hoặc “cò bay” tức nhảy bật lên đồng thời giang hai cánh tay. Khi cô giáo tung hô những vật khác như “nhà bay”, “cửa bay”,… mà bé vẫn nhảy lên như “chim bay” thì bé đó sẽ bị phạt nhảy lò cò quanh phòng.
Trò chơi này góp phần giúp cho trẻ rèn luyện tư duy phản xạ, tập trung lại vừa tạo cơ hội cho trẻ rèn luyện cơ thể nhẹ nhàng.

#25 cáo và thỏ
Cô giáo cần phân công:
- 1 chú cáo (đeo mặt nạ cáo)
- Mỗi chú thỏ (đeo mặt nạ thỏ) sẽ có một cái hang riêng cho mình (một bé làm hang).

Mỗi khi cô ra hiệu thì cáo sẽ tìm chỗ ẩn nắp, thỏ sẽ ra ngoài hang để đi tìm kiếm thức ăn cho mình. Sau một khoảng thời gian nhất định, cô sẽ bất ngờ hô “cáo đến”, con cáo sẽ chạy ra và bắt bất kỳ một con thỏ vô tội.
Bé thỏ phải chạy về đúng hang của thì thì được xem là an toàn, bé nào chạy sai hang thì cũng được xem là thua một lượt. Sau nhiều lượt chơi, các vé đổi vai cho nhau, trò này vừa rèn luyện sự nhanh nhạy lại vừa giúp bé vận động vui vẻ.
#26 Chi chi chành chành
Trò này cần có 3 trẻ tham gia trở lên, bé A sẽ mở lòng bàn tay ra cho 2 bé còn lại đưa ngón tay vào rồi cùng nhau đọc:
“Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết chương
Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập”.
Đọc hết chữ “ập”, A sẽ đóng bàn tay lại, các bé khác cần rút nhanh ngón tay của mình ra, nếu bị nắm trúng thì thua và vào thay vị trí cho bạn A ra chơi.

#27 Chùm nụm
Các em sẽ xếp chồng tay của mình lên nhau, hai tay bắt buộc phải xếp xen kẽ với tay của bé khác. Một bé đóng vai người bị đầu tiên sẽ để bàn tay của mình lên phía trên cùng rồi tất cả cùng hát:
“Chùm nụm chùm nẹo
Tay tí tay tiên
Đồng tiền chiếc đũa
Hạt lúa ba bông
An trộm ăn cắp
Trứng gà trứng vịt
Bù xe bù xít
Con rắn con rít
Nó rít tay này”.
Mỗi một từ trong bài hát sẽ tương ứng với việc điểm qua một bàn tay, đến từ “này” bắt trúng tay trẻ nào thì trẻ đó phải rút cánh tay ra và bị thay cho người chơi đầu tiên.

#28 Chuyền bóng
Cả lớp ngồi theo hình vòng tròn, cô giáo sẽ phát một quả bóng nhựa cho một em bất kỳ, sau đó cô và trẻ sẽ cùng nhau hát một bài hát nào đó, trong lúc hát các em sẽ truyền tay nhau quả bóng này cho đến khi bài hát bất chợt ngưng thì bé nào đang cầm quả bóng sẽ bị loại và chịu hình phạt được quy định từ trước.

#29 Oẳn tù tì
Trò chơi này cần có 2 bé trở lên, các bé sẽ cùng nhau hát: “Oẳn tù tì ra cái gì là ra cái này”, tất cả cùng nhau giơ tay theo hình kéo, búa hoặc bao với quy luật:
- Kéo thắng bao
- Bao thắng búa
- Búa thắng kéo.

Ngày nay, trò này còn được bổ sung thêm một vài chức năng khác như: giếng, kim, lửa,… để giúp cho trò chơi thêm đa dạng và thú vị.
#30 Ném bóng vào rổ/ đá bóng vào khung thành
Chuẩn bị: rổ nhựa và nhiều quả bóng nhựa.
Mỗi đội sẽ có từ 3 – 5 thành viên xếp thành hàng dọc, lần lượt thay phiên nhau mỗi bé sẽ ném được 2 quả vào rổ của đội mình, 1 quả vào rổ thì được tính là 1 điểm, thay phiên nhau cho đến khi hết thời gian quy định, đội nào nhiều điểm hơn thì đội đó thắng.

Trò này các cô có thể thay đổi thành đá bóng vào khung thành, cả 2 trò chơi đều rèn luyện cho trẻ sự tập trung, tính đoàn kết và rèn luyện thể chất.
#31 Úp lá khoai
Tất cả học sinh ngồi thành hình vòng tròn, úp 2 lòng bàn tay xuống đất (2 bàn tay phải để xen kẽ với tay của bạn khác), khi bắt đầu hát “úp lá khoai” thì một người lấy tay của mình chỉ lần lượt từng bàn tay rồi hát:
“Mười hai chong chóng
Đứa mặc áo trắng
Đứa mặc áo đen
Đứa xách lồng đèn
Đứa cầm ống thụt
Thụt ra thụt vô
Có thằng té xuống giếng
Có thằng té xuống xình
Úi chà , úi da!”.
Luật chơi: khi kết thúc bài hát, tay của bạn nào bị chỉ cuối cùng sẽ là người thua cuộc và chịu phạt.

#32 Tay cầm tay
Cách chơi: Cô chia học sinh thành nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm có từ 2 – 4 em và ra hiệu lệnh để các em thực hiện theo. Cô nói: “Tay cầm tay” thì trẻ sẽ nắm tay nhau và nhắc lại lời cô vừa nói, cô nói: “chân chạm chân” thì trẻ sẽ đưa một chân lên chạm vào nhau và nhắc lại lời cô. Các thầy cô có thể hướng dẫn trước nếu trẻ không hiểu và đưa ra nhiều hành động khác nhau như: đầu chạm đầu, lưng chạm lưng, má chạm má,…

Lợi ích: giúp rèn luyện khả năng ngôn ngữ và trí nhớ cho trẻ, giúp luyện nghe, tưởng tượng và hiểu lời nói của người khác để thực hiện theo.
#33 Đi tàu hỏa
Tất cả người chơi sẽ đứng thành hình dọc, người sau để tay lên vai của người trước. Người đứng ở bên ngoài sẽ hô lệnh “tàu lên dốc” tức tất cả chạy chậm bằng mũi bàn chân hoặc “tàu xuống dốc” tức tất cả chạy chậm bằng góc chân, ai đi sai hoặc bị ngã sẽ bị loại ra khỏi hàng. Vừa chạy, mọi người cùng hát câu đồng dao dân gian:
“Đi cầu đi quán, đi bán lợn con
Đi mua cái xoong, đem về đun nấu
Mua quả dưa hấu, về biếu ông bà
Mua một đàn gà, về cho ăn thóc
Mua lược chải tóc, mua cặp cài đầu
Đi mau, về mau kẻo trời sắp tối”.

Trò chơi dân gian cho học sinh tiểu học, THCS & THPT
Đối với những em học sinh cấp độ tiểu học, THCS & THPT thì độ khó và tính cạnh tranh phải được tăng lên, thầy cô cũng nên sáng tạo đổi mới cách chơi để tăng sự hấp dẫn cho các em tham gia.

#33 Chọi cầu
Đã là học sinh dù là cấp 1, cấp 2 hay cấp 3 thì không thể nào không biết đến trò chơi này. Bạn chỉ cần một trái cầu đá, dùng phấn hoặc giày dép để làm vạch chia cách giữa hai đội và vạch sau cùng.
Cách chơi: một bạn của đội A sẽ được ném cầu sang phía của đội B, nếu cầu trúng vào người của bạn nào thì bạn đó được xem như bị bắt và phải về đứng ở vạch đích của đội A.

Đội B sẽ tiếp tục dùng quả cầu để ném sang đội A, bạn này sẽ có 2 sự lựa chọn:
- Ném thẳng vào một bạn của đội A để kéo người về phía mình.
- Ném cầu cho đồng đội của mình ở vạch đích, nếu bạn ấy chụp được thì có quyền cầm cầu chọi vào một người của đội A, nếu trúng thì vừa giải thoát được một mạng lại vừa kéo thêm một bạn của đội A về phía mình, nếu hụt thì tiếp tục bị giam giữ, nếu muốn an toàn thì ném cầu xuống đất và sẽ được giải cứu về lại đội của mình.
Luật chơi: Trường hợp đội A ném cầu qua đội B mà bị một bạn nào đó của đội B chụp cầu thì đồng nghĩa với việc người ném bị bắt. Số lượng thành viên hai bên đều nhau (cả nam lẫn nữ đều tham gia được), chơi cho đến khi một đội không còn thành viên nào thì kết thúc.
#34 Ô ăn quan
Chuẩn bị:
- Vẽ một hình chữ nhật với tổng cộng 10 ô vuông chia đều cho 2 bên
- Tại hai đầu hình chữ nhật, vẽ thêm 2 vòng cung lớn tượng trưng cho ô quan lớn.
- Đặt mỗi ô nhỏ 5 viên sỏi nhỏ và 1 viên đá lớn cho 2 ô quan.
- Ít nhất 2 người chơi, nếu có đông người thì có thể tổ chức thành một team để cùng chơi.

Cách chơi:
- Người chơi sẽ lấy tất cả sỏi có trong 1 ô bất kỳ (10 ô nhỏ) để đi, đi theo chiều kim đồng hồ, mỗi ô sẽ rải đều 1 viên cho đến khi hết sỏi thì tiếp tục nhặt tất cả sỏi ở ô bên cạnh để đi tiếp. Nếu hết sỏi ở ô đặt cạnh ô quan thì mất lượt, nếu ô trước mặt là ô trống thì bạn ăn hết số sỏi ở ô kế tiếp.
- Hai người thay phiên nhau đi, ai ăn được cả 2 quan lớn và lấy được phần lớn số lượng sỏi thì người đó thắng.
#35 Một hai ba
Oẳn tù tì để tìm ra người bị phạt (A), người này sẽ úp mặt vào tường và những người còn lại (B) sẽ xuất phát ở vạch bắt đắt đầu (cách người bị 3m).
Người bị sẽ hô to: “Một, hai, ba”, trong thời gian này người chơi có quyền di chuyển để làm sao tiếp cận và chạm vào người A là thắng. Sau khi hô một, hai, ba người A quay lại thì tất cả người B phải đứng yên không được cử động, nếu bị phát hiện cử động sẽ bị loại. Người A chỉ thắng khi các thành viên phía B bị loại.

Người A có thể đọc: “Một, hai, ba” theo tốc độ tùy ý, lúc nhanh lúc chậm để người chơi không thể đoán ra được lúc nào người A sẽ quay mặt trở lại.
#36 Vẽ tiếp sức
Đây là một trò chơi dân gian hay và rất vui nhộn, giáo viên sẽ làm quản trò và cần ít nhất hai đội để tham gia (mỗi đội từ 5 học sinh trở lên và đứng quay lưng lại với nhau).
Em sau cùng sẽ được nhìn tranh vẽ, hình ảnh từ phía cô giáo và có nhiệm vụ vẽ lại làm sao cho giống với gợi ý ban đầu nhất. Sau đó, tờ giấy này sẽ được truyền lên người thứ 2 xem và vẽ lại rồi truyền tiếp cho người thứ 3,… Học sinh cuối cùng là người nhìn tờ giấy và dự đoán gợi ý của cô giáo là gì.

Lợi ích: giúp các em luyện bộ môn vẽ, tăng tính đoàn kết và thấu hiểu lẫn nhau, rèn trí tưởng tượng và giải trí sau những giờ học tập căng thẳng.
#37 Nhảy ngựa
Oẳn tù tì để chọn ra người thua cuộc để làm ngựa, người này sẽ lần lượt đứng các tư thế từ thấp (đơn giản nhất) đến cao (khó nhất) để người chơi khác nhảy qua.

Nếu tất cả mọi người đều có thể vượt qua thử thách thì thắng, nếu ai nhảy qua bị chạm vào ngựa hoặc té ngã thì coi như thua và thay thế vị trí làm ngựa ở ván tiếp theo.
#39 Chuyền bóng bằng hai chân
Chia đều số lượng thành viên cho hai đội, các em sẽ nằm tạo thành hình dọc, đầu bé này nối sát với chân bé kia. Khi có hiệu lệnh thi, bé đầu tiên sẽ dùng chân gắp quả bóng tại điểm xuất phát rồi chuyển qua đầu cho bạn tiếp theo, cứ thế mà chuyển đến bạn cuối cùng thì được tính là 1 điểm.

Lưu ý là không được dùng tay, bóng rơi ở vị trí nào thì coi như bỏ chứ không được nhặt lên đi tiếp, trong thời gian quy định đội nào nhiều điểm hơn thì đội đó thắng.
Đối tượng: Người lớn & trẻ em.
#40 Chạy tiếp sức
Chuẩn bị: một sân bãi lớn, kẻ một vạch xuất phát, vạch giao gậy và vạch đích, số lượng gậy tương đương với số đội tham gia.
Luật chơi: Mỗi đội sẽ có số lượng thành viên bằng nhau đứng ở các vị trí đã được kẻ sẵn để chờ nhận gậy tiếp sức. Khi có hiệu lệnh “bắt đầu” bé ở vị trí đầu tiên sẽ chạy xuất phát, đến vị trí tiếp sức thì truyền gậy cho bé thứ 2 chạy tiếp, cứ thế cho đến lượt bé cuối cùng. Đội nào về đích đầu tiên sẽ là đội chiến thắng.
Lợi ích: Rèn luyện tinh thần đồng đội và thể chất.
Đối tượng: Người lớn & trẻ em.

#41 Nhảy dây
Trò này đa phần rất hợp với các bé gái và cũng khá đơn giản để chơi. 2 bé sẽ được phân công nắm 2 đầu sợi dây rồi quay dây sao cho có nhịp và đều.

Các bé còn lại vào nhảy theo đúng số lần quy định mà không bị vướng dây thì được xem là hoàn thành. Ngoài ra, giáo viên còn có thể tạo phần thi đôi, thi ba cho trò chơi thêm hấp dẫn.
#42 Bắn bi
Trái ngược với trò nhảy dây thì bắn bi là trò chơi truyền thống Việt Nam được đa số các bạn nam yêu thích tư trước đến nay, đặc biệt là ở những vùng quê nông thôn. Đa phần các bạn sẽ dùng một tay để kẹp viên bi, tay còn lại sẽ dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa để bắn viên bi chạm vào những viên bi mục tiêu khác là ăn.

#43 Búng thun
Trò này cần 2 – 4 người tham gia, mỗi người sẽ rải 5 – 10 sợi thun xuống đất (mỗi người sẽ có một màu thun khác nhau), chơi oẳn tù tì để xác định người nào được búng đầu tiên.

Cách chơi: Dùng ngón tay để búng sợi dây thun di chuyển trên mặt đất, nếu sợi thun của bạn chạm vào sợi thun của người khác (đan vào nhau) thì bạn ăn được cả 2 sợi thun đó và được đi tiếp, nếu hụt thì bị mất lượt và người tiếp theo sẽ chơi.
#44 Ném lon
Chuẩn bị: Một số quả bóng nhỏ (ngày nay thường sử dụng bóng tennis) hoặc giày dép và một số lon sữa bò xếp chồng lên nhau tạo thành hình tháp.

Luật chơi: Mỗi đội có 3 lượt ném, đội nào ném được nhiều lon ngã nhất thì thắng, trường hợp người ném chạm vạch kẻ thì coi như mất lượt.
#45 Đánh đáo
Cần có ít nhất 2 bạn để tham gia trò này, người chơi cần chuẩn bị những hòn đá dẹp và có hình tam giác, một vài đồng xu, tiến hành vẽ hai lằn vạch cách nhau 2m là đã có thể thi tài.

Cách chơi: ném tất cả đồng xu vào vạch thứ 1, sau đó lần lượt từng bạn đứng ở vạch thứ 2 và dùng đáo nhắm ném vào những đồng tiền ở phía bên kia vạch đích. Nếu ném trúng được đồng tiền nào thì ăn đồng tiền đó và được quyền ném tiếp, nếu ném hụt thì sẽ bị mất lượt cho người tiếp theo. Đếm số lượng đồng tiền của mỗi bạn để tìm ra người thắng cuộc.
#46 Đánh quay
Đánh quay là trò chơi thi đấu giữa các cậu con trai với nhau (ít nhất 2 người), con quay có hình nón cụt và chân nhọn được làm bằng gỗ hoặc sừng.

Khi bắt đầu, 2 người sẽ dùng một sợi dây quấn vào con quay rồi kéo một lực thật mạnh, con quay của ai quay trong thời gian lâu nhất thì thắng và có quyền lấy con quay của đối thủ làm phần thưởng. Lưu ý, người chơi cũng có quyền dùng cây tre nhỏ để điều khiển con quay của mình bổ vào con quay của đối thủ.
#47 Trốn tìm
Cách chơi: oẳn tù tì để tìm ra người bị (hoặc xung phong làm người đi bắt), bạn này phải nhắm mắt và úp mặt vào tường rồi đọc to: “5, 10, 15, 20, 25, 30, 35, 40, 45, 50, 55, 60, 65, 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100, bắt đầu đi tìm”.

Luật chơi:
- Bạn nào trốn thì chỉ được trốn trong phạm vi quy định
- Trong thời gian quy định, nếu bắt được tất cả mọi người thì thắng, người bị bắt đầu tiên sẽ trở thành người đi tìm cho ván tiếp theo
- Nếu không tìm được hết tất cả người chơi thì thua và phải đi bắt tiếp ở ván tiếp theo.
#48 Nhảy lò cò
Dùng phấn để vẽ hình nhảy cò lò gồm 10 ô từ 1 – 10, người chơi sẽ dùng giày của mình để ném lần lượt vào từng ô từ 1 đến 10 (ném hụt sẽ bị mất lượt).
Có một ô thì nhảy bằng một chân, hai ô thì nhảy bằng hai chân rồi vòng trở lại nhặt giày của mình là hoàn thành một lượt nhảy. Dùng giày để ném vào tiếp theo rồi nhảy như trên cho đến khi nào ném xong ô thứ 10 là thắng.

Lưu ý: ô nào có giày của các bạn khác thì không được nhảy vào ô đó mà phải nhảy vào ô tiếp theo, ngoài ra việc có quá nhiều giày trong một ô vuông sẽ khiến cho giày của bạn dễ bị rơi ra ngoài, 2 điều này chính là thử thách khó mà bạn cần phải vượt qua để dành được chiến thắng.
Ngày nay, các bạn học sinh cũng có thể sáng tạo thêm nhiều hình dạng ô lò cò để tăng độ khó cho trò chơi.
#49 Cờ tỷ phú
Mặc dù đây là một bộ môn chơi cờ hiện đại không thuộc thể loại dân gian Việt Nam, thế nhưng tôi cũng mong muốn được bổ sung thêm vào list tổng hợp này vì những lợi ích mà trò chơi này mang lại.
Người lớn và trẻ em đều chơi được trò này, ngoài mục đích giải trí lành mạnh, gắn kết các thành viên lại với nhau thì bộ môn này còn giúp quý vị phụ huynh dạy cho con em về các vấn đề trong đời sống thực tế.
>>> Tìm hiểu thêm về cách chơi cờ tỷ phú (tên tiếng Anh: Monopoly Deal) tại đây.
Các trò chơi dân gian Việt Nam bằng Tiếng Anh
168xoso muốn bổ sung thêm phần này vì tôi nghỉ rằng nó cần thiết cho bạn. Trong trường hợp đội nhóm của bạn đa số là người nước ngoài hoặc bạn có mong muốn chỉ dẫn thêm cho con em, học sinh của mình bổ sung thêm kiến thức Tiếng Anh về những trò chơi truyền thống Việt Nam thì một số từ vựng sau đây sẽ vô cùng bổ ích:
- Bịt mắt bắt dê ⇔ blind man’s buff
- Thi thổi cơm ⇔ rice cooking competition
- Mèo bắt chuột ⇔ cat and mouse game
- Đua thuyền ⇔ racing boat
- Kéo co ⇔ tug of war
- Chọi trâu ⇔ buffalo fighting
- Rồng rắn lên mây ⇔ dragon snake
- Nhảy ngựa ⇔ horse jumping
- Nhảy sạp ⇔ bamboo dancing
- Nhảy bao bố ⇔ bag jumping
- Đánh chuyền (banh đũa) ⇔ bamboo jacks
- Chọi gà ⇔ cock fighting
- Thả diều ⇔ flying kite
- Kéo cưa lừa xẻ ⇔ chanting while sawing wood
- Ô ăn quan ⇔ mandarin Square Capturing
- Đi cà kheo ⇔ stilt walking
- Trốn tìm ⇔ hide and seek
- Đánh đu ⇔ swaying back and forth game
- Ném còn ⇔ throwing cotton ball game
- Đấu vật ⇔ wrestling
- Đánh quay ⇔ spinning tops.
Tổng kết
Sau khi trò chơi kết thúc, bạn cũng có thể cân nhắc bổ sung thêm trò bốc thăm trúng thưởng để tăng thêm sự thú vị cho buổi sinh hoạt. Hiểu được tâm lý của bạn, 168xoso đã dành thời gian để tổng hợp kiến thức về cách tổ chức, kịch bản và lời dẫn chương trình bốc thăm trúng thưởng để bạn dễ dàng tham khảo.
Tuy nhiên trong bài viết về mùng 1 đầu tháng nên kiêng gì có nhắc đến việc không nên tổ chức những buổi sinh hoạt chung để tránh gặp vận hạn không tốt, bạn lưu ý nhé.
Một hoạt động thú vị sẽ giúp cho cả tập thể gắn kết với nhau. Mặc dù hiện nay có rất nhiều trò chơi thú vị và hiện đại hơn rất nhiều nhưng đôi lúc chúng ta cũng nên ôn lại tuổi thơ bằng một vài trò chơi truyền thống vừa vui, vừa nhẹ nhàng lại vừa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Bài viết liên quan
-
Miền Nam có bao nhiêu tỉnh? Bản đồ và danh sách tên các tỉnh MN
Miền Nam là vùng đất nằm ở bên dưới cùng của lãnh thổ Việt Nam, so với những vùng còn lại thì nơi đây được phân chia thành 2 lối sống hoàn toàn trái
-
Miền Bắc có bao nhiêu tỉnh? Bản đồ và danh sách các tỉnh MB
Bắc Bộ là vùng đất nằm ở trên cùng của lãnh thổ Việt Nam có đầy đủ 4 mùa khí hậu rõ rệt (Xuân, Hạ, Thu, Đông). So với 2 vùng miền còn lại là Miền
-
Miền Trung có bao nhiêu tỉnh? Danh sách tên các tỉnh MT
Miền Trung, hai tiếng gọi thân thương của vùng đất nằm ở giữa phần lãnh thổ của Việt Nam để phân chia hai vùng Nam – Bắc. Vậy Miền Trung có bao nhiêu
-
Lô câm đầu đuôi hôm sau sẽ hay ra những số này
Lô câm đầu hoặc đuôi là một trong những dữ liệu vô cùng quan trọng trong việc dự đoán các kết quả xổ số sẽ về ở kỳ sau. Với phương châm đồng hành
-
Bán sổ ghi kết quả xổ số (Mẫu tích kê chuẩn)
168xoso chuẩn bị tung ra thị trường sản phẩm tích kê, sổ ghi chép theo dõi KQXSMB cầm tay, ticke xổ số giúp người chơi dễ dàng ghi chú, theo dõi những con lô